Lời khuyên giúp vượt qua stress áp lực về tiền bạc
Trong cuộc sống, có lẽ không ít người đã chạy theo giá trị vật chất, chạy theo tư tưởng “Có tiền là có tất cả” mà quên đi những giá trị tinh thần của chính mình. Điều này, khiến chúng ta vướng vào những cảm xúc tiêu cực, stress áp lực về tiền bạc. Hy vọng, bài viết dưới đây sẽ giúp bạn cân bằng cuộc sống, cân bằng cảm xúc và tìm về những giá trị cao đẹp và tuyệt vời khác trong cuộc sống.
Làm thế nào để biết bạn đang bị stress áp lực về tiền bạc
Stress, áp lực về tiền bạc là vấn đề mà hầu hết những người trẻ hiện nay đều gặp phải. Ai cũng có mong cầu một cuộc sống hạnh phúc đủ đầy, mua hàng không cần nhìn giá, có nhà cao cửa rộng bởi vậy mà không ngừng nghĩ mọi cách để kiếm thật nhiều tiền. Khi áp lực từ đồng tiền đè nặng, công việc quá tải khiến đầu óc căng thẳng, mệt mỏi và kết quả lại không được như ý muốn rất dễ khiến người đó bị rơi vào tình trạng stress.
Theo thống kê tại Mỹ, các vấn đề lo lắng liên quan về tiền bạc khiến 25% người trưởng thành mắc các vấn đề sức khỏe tinh thần. Cũng theo khảo sát này, cứ 5 người thì có 4 người lo lắng về tiền bạc, ngoài ra có khoảng 35% than phiền về việc tiền bạc khiến cuộc sống của họ áp lực và nặng nề hơn. Chắc chắn rằng tỷ lệ này ở những đất nước khác cũng cao không kém, nhất là trong thời đại quyền lực của đồng tiền ngày càng được đề cao như hiện nay.
Không hề dễ dàng để bản thân mỗi người có thể nhận ra mình đang bị stress, cằng thẳng quá mức vì tiền bạc. Bởi họ có quá nhiều vấn đề phải suy nghĩ đôi khi quên đi sức khỏe của chính mình.Tình trạng căng thăng, stress áp lực về tiền bạc nếu kéo dài có thể gây ra vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe (dạ dày, tim mạch, trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn cảm xúc), làm ảnh hưởng đến những mối quan hệ tốt đẹp và làm giảm chất lượng cuộc sống.
Một số triệu chứng điển hình cho thấy bạn có thể đang gặp stress áp lực về tiền bạc như;
- Thường xuyên cãi vã với người thân, đặc biệt khi nhắc đến tiền bạc. Mục đích kiếm tiền của con người thường để lo cho gia đình đầy đủ hơn, nhưng đôi khi nó lại là nguyên nhân khiến cho hạnh phúc gia đình lục đục, thậm chí là tan vỡ bởi những cảm xúc tức giận, đau khổ, mệt mỏi, lời nói khó nghe, thậm chí là cả hành vi bạo lực.
- Mất ngủ, dễ cáu gắt, khó chịu. Áp lực stress kéo dài, lo lắng quá nhiều đến tiền bạc, suy nghĩ làm sao để kiếm nhiều tiền, để đầu tư khiến họ bị mất ngủ. Tất nhiên khi không ngủ được sẽ khiến bạn dễ khó chịu, cáu gắt, tinh thần kém minh mẫn, kém tập trung, giảm hiệu quả công việc là điều đương nhiên.
- Chán ăn, ăn không ngon, ăn uống không điều độ. Công việc bận rộn khiến họ không thể điều chỉnh chế độ ăn uống hợp lý, đồng thời tình trạng stress cũng làm người bệnh có cảm giác không còn ngon miệng nên thường bỏ ăn.
- Đau đầu, chóng mặt, khó thở, tâm tính thất thường. Đây là một trong những biểu hiện điển hình của chứng stress, căng thẳng, mệt mỏi và mất ngủ cũng khiến các dấu hiệu này trở nên trầm trọng hơn.
- Có xu hướng tìm đến chất kích thích. Thuốc lá, bia rượu hay các chất kích thích thường khiến tinh thần hưng phấn tạm thời nên khi bị áp lực, mệt mỏi trong cuộc sống rất nhiều người thường tìm đến những thứ này để hy vọng cơ thể được thoải mái hơn.
- Tiêu xài bất hợp lý, không kiểm soát được chi tiêu. Tình trạng này thường gặp ở những người khó khăn trong tài chính, họ có xu hướng chi tiêu mất kiểm soát khi tiêu tiền vào những khoản chi vô bổ. Điều này càng làm tình trạng khó khăn của họ nặng nề hơn.
- Nợ nần, áp lực tiền bạc khiến họ không thể đưa ra những suy nghĩ hợp lý, thường xuyên phải vay vốn để đầu tư xoay vòng vào chỗ này chỗ kia. Nhưng khi đã có những suy nghĩ kém thông thái thì tỷ lệ thành công thường rất thấp, và tất nhiên nợ lại càng chồng chất thêm nợ.
- Nhạy cảm, lo lắng khi nhắc đến tiền bạc. Bất cứ ai khi nhắc hay bàn luận đến các vấn đề tiền bạc cũng khiến họ có xu hướng giật mình, lo lắng và nhạy cảm hơn rất nhiều.
Lời khuyên để vượt qua stress áp lực về tiền bạc
Thực tế bất cứ ai cũng có thể là đối tượng bị stress áp lực về tiền bạc, dù là nam hay nữ, người giàu hay người nghèo. Người nghèo thì áp lực làm sao để thoát khỏi cuộc sống khó khăn; người giàu thì lo lắng làm sao để giữ mãi cuộc sống này; nam giới thì mang gánh nặng lo cho gia đình, vợ con; nữ giới thì không ngừng cố gắng để khẳng định vị trí của bản thân.
Mỗi người đều có một áp lực vô hình liên quan đến tiền bạc. Đặc biệt trong thời đại xã hội phát triển, vật giá ngày càng leo thang thì vai trò của đồng tiền này càng được nâng tầm. Tuy nhiên khi quá cật lực kiếm tiền, suy nghĩ về nó mà quên đi giá trị tinh thần và sức khỏe thì cuối cùng cũng không có lợi ích gì.
Hiểu được giá trị của cuộc sống
Mặc dù có những người thường nói rằng tiền không phải là quan trọng nhưng chúng ta vẫn tiền để có một cuộc sống no đủ và ấm cúng. Nhưng bạn cần phải biết thế nào là đủ. Mục đích của việc kiếm tiền chính là có cuộc sống tốt đẹp đủ đầy hơn nhưng khi bạn bị bệnh, số tiền kiếm được cũng chỉ đổ vào việc chữa bệnh do làm việc quá sức, cuối cùng bạn lại vừa không có được cuộc sống như mơ ước lại khiến sức khỏe ngày càng suy giảm.
Dù là vậy nhưng thật mơ hồ để nói bao nhiêu tiền là đủ vì khi càng kiếm được tiền người ta càng “tham lam” và hăng say. Vì vậy bạn cần phải học cách cân bằng cảm xúc, tìm kiếm giá trị qua những điều tuyệt vời hơn là những giá trị về vật chất. Chẳng hạn, thay vì suốt ngày kiếm tiền mà bỏ bê gia đình thì bạn dành thời gian vui chơi cùng gia đình, vợ con.
Thông qua những hoạt động này bạn vừa có cơ hội được tiếp thêm năng lượng vừa có thể giải tỏa được những phiền muộn trong lòng. Lúc này gia đình sẽ là động lực để kiếm tiền chứ không phải là áp lực.
Điều tiết lại cảm xúc
Khi bạn mệt mỏi, mất tập trung chắc chắn không thể nào đưa đến những quyết định thành công được cho dù bạn dùng hết sức lực. Thay vào đó, bình ổn và tĩnh tâm, nhìn nhận vấn đề một cách kỹ càng sẽ giúp bạn giải quyết nhanh chóng hơn. Khi đưa ra các quyết định đúng đắn thì chắc chắn tỷ lệ thành công sẽ cao hơn, lợi nhuận thu về nhiều và các áp lực tiền bạc cũng được giảm. Mặt khác khi tĩnh tâm thì dù có những thất bại cũng không khiến bạn cảm thấy quá ức chế, nản lòng mà ngược lại còn có quyết tâm và cố gắng nhiều hơn.
Một vấn đề mà những người bị stress áp lực về tiền bạc gặp phải chính là dễ cáu gắt, u uất, không có sức sống. Bạn không thể kiểm soát được cảm xúc tiêu cực không chỉ ảnh hưởng đến những quyết định mà còn liên quan đến những mối quan hệ với đối tác, bạn bè, khiến bạn khó đạt được niềm tin từ người khác. Do đó, học cách kiểm soát cảm xúc là điều bất cứ ai cũng cần học, không chỉ trong kinh doanh và trong bất cứ lĩnh vực nào cũng cần.
Thiền định sẽ là liệu pháp đơn giản giúp bạn tĩnh tâm, cân bằng tâm trạng, giảm stress mệt mỏi. Chỉ cần dành 15 phút ngồi thiền mỗi ngày, có thể là sáng hay tối đều sẽ giúp bạn tăng về cả trí não lẫn thể chất. Đặc biệt khi cảm thấy quá áp lực ngột ngạt, khó khăn trong quyết định thì hãy thử ngồi thiền để mở rộng tâm trí hơn.
Lập kế hoạch tài chính chi tiết
Nếu không biết cách kiểm soát tài chính hãy học cách lập kế hoạch chi tiêu và tiết kiệm rõ ràng. Chẳng hạn bạn quy định một tháng cần gửi tiết kiệm bao nhiêu, trong bao nhiêu lâu và có khả năng sinh lời thế nào. Những chi tiêu hằng ngày dù là nhỏ nhất bạn cũng nên học cách ghi chép lại, để sau đó xem và phân tích để biết mình cần gì, dư gì và cân nhắc phù hợp hơn.
Nếu là một nhà đầu tư, bạn cũng cần cân nhắc các rủi ro tài chính khi đầu tư để luôn trong tâm thế sẵn sàng khi có bất cứ sự cố nào xuất hiện. Điều này rất quan trọng để bạn có thể hạn chế tối tình trạng nợ nần chồng chất do không đúng kế hoạch và khiến tâm trạng rối loạn stress hơn.
Chẳngg hạn, nếu đang là một nhân viên văn phòng và được trả lương đầu tháng, bạn có thể chia tiền thành các phần như ăn uống, tiền nhà cửa, xăng xe, các khoản phát sinh và đặt riêng một phần để tiết kiệm. Việc này sẽ giúp bạn cân đối tiêu tiêu phù hợp hơn, tránh tiêu xài quá mức.
Và tất nhiên khi lập được kế hoạch thì bạn cần đảm bảo thực hiện nó chính xác. Kiên nhẫn là một đức tính cần thiết của bất cứ người nào muốn làm giàu. Nếu bạn không giỏi ghi nhớ hay tính toán thì có thể tham khảo những app giúp quản lý để tiện việc ghi chép và lên kế hoạch hơn.
Bắt đầu tiết kiệm từ ngay bây giờ
Hãy cố gắng sắp xếp những khoản chi tiêu theo thứ tự ưu tiên để biết bạn có thực sự cần thiết không. Nếu chưa quá cần thiết thì bạn có thể tạm thời bỏ qua để khi có dư dả hơn rồi thực hiện. Hãy luôn có một khoản tiết kiệm dự trữ để đề phòng cho các trường hợp cần thiết. Đừng để tình trạng có bao nhiêu tiêu hết bấy nhiêu, cuối cùng khi có việc gấp lại đi vay mượn chỗ này chỗ kia.
Đặt ra mục tiêu thực tế xem bạn có thể để tiết kiệm được bao nhiêu và thực hiện cân đối một cách phù hợp. Đừng đặt ra một mục tiêu quá cao vì sẽ khiến bạn cảm thấy quá sức và áp lực hơn mà thôi. Hãy nhìn vào hiện thực và từng bước thực hiện sẽ tạo cho bạn cảm giác thoải mái và hài lòng hơn.
Tuy nhiên, tiết kiệm không có nghĩ là keo kiệt bủn xỉn với bản thân. Chẳng hạn bạn tiết kiệm trong ăn uống, chỉ ăn rau qua ngày để giảm chi phí thì điều này về lâu dài lại khiến cơ thể không được nạp đủ chất, sức khỏe suy giảm, trí não cũng hoạt động kém hiệu quả hơn và tất nhiên khả năng làm việc việc cũng bị giảm sút.
Tìm kiếm thêm các công việc nếu có thời gian
Nếu bạn chỉ đang làm một công việc văn phòng, không cần làm ngoài giờ thì hãy đứng lên tìm thêm những công việc mới. Đừng than vãn về việc mình “nghèo” khi bạn có quá nhiều thời gian rảnh rỗi trong khi những người khác vẫn đang cật lực kiếm tiền. Thời gian buổi tối ở nhà nếu có thời gian bạn có thể thử bán hàng online, viết lách hay chạy grab chẳng hạn. Hãy tìm một công việc làm thêm phù hợp với bản thân.
Tuy nhiên chỉ trong trường hợp công việc của bạn cho phép thời gian rảnh, còn nếu vẫn có thể phát triển thu nhập tại công ty bạn vẫn nên tập trung làm tốt nhất. Đừng bao giờ có suy nghĩ nhận lương cứng và ngồi ỳ một chỗ mà cần đẩy tinh thần nỗ lực lên co hơn.
Không ngừng chăm chỉ
Không ít người bị stress áp lực về tiền bạc chính do sự lười biếng của bản thân. Họ than vãn về sự khó khăn, vay mượn khắp nơi nhưng lại không chịu kiếm tiền hoặc kiếm tiền bằng những công việc không chính đáng. Tất nhiên với nguyên nhân này thì áp lực sẽ càng áp lực hơn và khó thể thành công được.
Hãy chăm chỉ và chăm chỉ hơn bởi chỉ có nỗ lực mới đưa bạn đến với thành công và hạnh phúc. Khi bạn chăm chỉ và nỗ lực hết mình chắc chắn sẽ nhận được rất nhiều phần thưởng xứng đáng cho bản thân.
Chia sẻ vấn đề với người thân
Nhiều người bị áp lực stress chính là do họ không nói ra mà cứ giữ trong lòng. Ví dụ người đàn ông luôn mặc định nhiệm vụ kiếm tiền chăm lo cho gia đình và khi không đủ để cuộc sống no ấm, sự quan tâm hỏi han của vợ con khiến áp lực, rất dễ nóng giận khi về nhà. Tất nhiên khi nóng giận và vẫn giữ trong lòng thì mục đích của người chồng lại trở thành những điều xấu, mâu thuẫn trong gia đình tăng lên và các vấn đề cũng không được giải quyết.
Ngồi xuống và trò chuyện cùng vợ, cùng người thân sẽ giúp vấn đề được giải quyết. Khi nói ra được nỗi lo lắng mệt mỏi trong lòng tâm trạng cũng dễ chịu hơn rất nhiều. Hoặc nếu không tâm sự được với những người thân thì hãy tìm đến những người bạn chí cốt. Tìm đến những người đi trước để xin lời khuyên cũng giúp ích rất nhiều để bạn giải tỏa những áp lực.
Chăm lo cho bản thân
Sức khỏe, tiền bạc và tinh thần luôn là 3 vấn đề đi liền với nhau nhưng bạn rất khó để có thể đạt được cả 3 thứ tốt nhất cùng lúc. Thay vì đưa cả 3 lên đỉnh điểm cao nhất, bạn có thể cân bằng cả 3 ở mức độ vừa phải. Khi tinh thần minh mẫn, sức khỏe dồi dào thì tài vận của bạn chắc chắn sẽ ổn định hơn.
Yêu thương bản thân hơn, tự thưởng cho bản thân những món ăn ngon hay những bộ quần áo đẹp khi dư dả hơn cũng là một cách khích lệ bản thân. Hãy dành cho mình những ngày nghỉ ngơi hay đi du lịch để xua tan những căng thẳng và có thêm nhiều động lực làm việc mới. Đừng vì áp lực đồng tiền mà khiến bản thân ngày càng trở nên tẻ nhạt, không có niềm vui trong cuộc sống.
Có một câu nói rất hay chính là “Không có áp lực, không có kim cương“, tuy nhiên cần biến áp lực đó thành động lực để cố gắng chứ không phải là một tảng đá đè lên vai không thể gỡ xuống được. Những lời khuyên để làm giảm stress áp lực về tiền bạc trên đây vẫn chỉ để hỗ trợ bạn, bởi không phải cứ nói là có thể làm. Quan trọng nhất vẫn là ở bạn.
Và nếu tình trạng này kéo dài, bạn cảm thấy những dấu hiệu trở nên trầm trọng hơn, một hoặc nhiều mối quan hệ thân thiết trở nên xấu đi, áp lực, căng thẳng mệt mỏi làm ảnh hưởng đến chất lượng công việc của bạn hoặc stress có thể trở thành chứng trầm cảm hay rối loạn lo âu. Bạn có thể gặp gỡ các chuyên gia tâm lý trị liệu để giải tỏa tâm lý, cân bằng cuộc sống và có giải pháp tối ưu hơn cho chính mình nhé.